Xin chào các bạn!
Tôi là Hải Yến, hiện đang làm việc tại công ty TNHH Japan Quality.
Tôi đã có cơ hội được trải nghiệm đất nước Nhật Bản thông qua chương trình Internship do Human Crest Group (công ty mẹ của Japan Quality) tổ chức vào tháng 7 năm 2019. Hôm nay tôi muốn chia sẻ với các bạn đôi nét về nước Nhật qua cảm nhận của bản thân.
Lý do khiến tôi muốn đặt chân tới đất nước mặt trời mọc
Khi tôi còn là một học sinh cấp ba, một trận sóng thần kinh hoàng xảy ra tại Nhật Bản. Hình ảnh nước Nhật hoang tàn, đổ nát được thu vào tầm mắt thông qua những bản tin trên thời sự là ấn tượng đầu tiên của tôi. Sau này, khi học tiếng Nhật tại trường Đại học Ngoại ngữ, càng tiếp xúc nhiều với tiếng Nhật, tôi lại càng mong ước mình có thể được đặt chân đến đây. Mặc dù ở Việt Nam cũng có nhiều điều kiện tốt để tôi có thể học và sử dụng tiếng Nhật, nhưng tôi luôn ước ao về ngày được đắm mình trong môi trường mà tất cả mọi thứ đều sử dụng tiếng Nhật. Tôi muốn tìm hiểu tất cả những thứ mình chưa biết về nước Nhật. Không chỉ là phong tục và văn hóa mà cả ẩm thực, khí hậu. Chỉ bằng cách trải nghiệm thực tế thì mới có thể biết được những thứ không ghi lại trong sách vở hay trên internet.
Văn hóa làm việc tại công ty Nhật
Công ty chúng tôi là một công ty chuyên về kiểm thử chất lượng phần mềm, có trụ sở ở thành phố cảng Yokohama. Khác với hầu hết các công ty ở Việt Nam, ở Nhật thường bắt đầu làm việc từ 9h30 và kết thúc lúc 18h30. Chính vì thế nên tôi cảm nhận 1 ngày trôi qua rất nhanh, lúc nào cũng bận rộn. Trong hơn 4 tháng ở Nhật tôi được tham gia rất nhiều dự án trong công ty. Tại đây tôi được làm việc và training trực tiếp với người Nhật. Cũng giống với công ty JPQ, ở Human Crest cũng dành thời gian cho nhân viên speech vào mỗi buổi chào sáng. Đây cũng là cơ hội để giới thiệu về văn hóa Việt Nam với người Nhật.
Người Nhật lạnh lùng?
Ngày đầu tiên đi làm tại Hama Lab, nhìn mọi người tập trung làm việc một cách nghiêm túc tôi đã rất căng thẳng. Trong đầu tôi lúc đó chỉ nghĩ “Người Nhật quả thật rất lạnh lùng”.
Thế nhưng chỉ mấy ngày sau đó tôi đã phải thay đổi suy nghĩ hoàn toàn. Những lúc gặp khó khăn đều được các sempai người Nhật tận tình giúp đỡ. Nếu giải thích vấn đề một lần mà tôi vẫn chưa hiểu, họ sẵn sàng dành thời gian giải thích nhiều lần cho đến khi tôi hiểu được hoàn toàn vấn đề đó. Tôi nghĩ rằng họ luôn tỏ ra bộ mặt lạnh lùng và ít nói chuyện với người khác chỉ vì họ sợ làm phiền đối phương mà thôi.
Ngoài ở công ty ra thì trong cuộc sống tôi cũng đã gặp rất nhiều người Nhật nhiệt tình và tốt bụng. Đó là những lần hỏi đường được chỉ bảo rất tận tình. Hay những lần được cô thu ngân ở siêu thị hỏi han. Cả anh bán rau vui vẻ hay giảm giá cho chúng tôi. Và hai mẹ con bác người Nhật đã mang tặng socola làm quà gặp mặt khi họ mới chuyển đến sống ở ngay dưới tầng.
Cuộc sống ở Nhật có gì khác Việt Nam?
Nếu nói về những điều khác nhau giữa Nhật Bản và Việt Nam thì quả thực có rất nhiều. Nhưng điều làm tôi ấn tượng nhất đó là việc người đi bộ rất được ưu tiên ở Nhật. Khi có người đi bộ qua đường thì xe ô tô sẽ dừng lại để nhường đường. Còn ở Việt Nam thì ngược lại, nếu bạn là người đi bộ, bạn sẽ phải nhường đường cho tất cả các loại xe từ ô tô cho đến xe máy.
Sau nhiều lần đi chơi với bạn bè người Nhật tôi nhận thấy rằng họ thường lên kế hoạch rất cụ thể cho mỗi chuyến đi. Việc lên kế hoạch cho dù những thứ nhỏ nhất là điều phổ biến ở Nhật. Còn ở Việt Nam thì thậm chí có rất ít người lên kế hoạch cho công việc chứ đừng nói tới những chuyến đi của họ.
Ngoài ra còn một điều khác biệt nữa mà tôi muốn kể đến đó là việc phân loại rác. Ở Việt Nam chúng ta không phân loại rác nhưng ở Nhật hệ thống phân loại rác rất phát triển. Việc đổ rác sẽ tùy thuộc vào loại rác và ngày đổ rác. Nhờ đó chất thải có thể được thu gom và vận chuyển một cách hiệu quả vì nó được phân loại và chi phí xử lý rác sẽ giảm.
Những kỉ niệm đáng nhớ ở Nhật
Một trong những kỉ niệm đáng nhớ của tôi khi ở Nhật là lúc tôi để quên hộp cơm trên tàu điện. Có một lần khi đi tàu điện từ công ty về nhà tôi đã bỏ quên hộp cơm trên tàu. Lúc còn đi học chúng tôi đã từng được học qua bài “Làm thế nào khi quên đồ trên tàu điện”, nhưng ở Việt Nam thì chưa có cơ hội áp dụng nên lần này tôi quyết định làm thử. Ngày hôm sau tôi đã trao đổi với bộ phận quản lý đồ bỏ quên ở nhà ga bằng Chatbox và miêu tả lại thật chi tiết về hộp cơm đã bị bỏ quên. Thật bất ngờ chỉ một tiếng sau đã nhận được phản hồi báo đã tìm thấy. Tôi đến ga và nhận lại hộp cơm. Về đến nhà vẫn nghĩ rằng “Hộp cơm còn đồ ăn thừa của ngày hôm qua nên chắc mùi sẽ kinh lắm đây”. Nhưng khi mở hộp cơm ra không biết ai đó đã rửa rất sạch sẽ rồi. Quả thật điều này đã khiến tôi rất bất ngờ.
Ngoài những kỉ niệm đẹp, tôi cũng đã có một trải nghiệm đáng sợ ở Nhật. Đó là cơn bão số 19 kinh khủng vào tháng 10 năm 2019. Ở Việt Nam mọi người thường không chuẩn bị kĩ trước bão nhưng ở Nhật thì ngược lại. Một ngày trước bão, họ đã dự trữ rất nhiều thức ăn và nước uống. Tôi đã đi tới tận 3 cái siêu thị, thế nhưng thậm chí là một mẩu bánh mì cũng không còn để mua. Trở về nhà, tôi và bạn cùng phòng bắt đầu đổ đầy nước vào bồn tắm và sạc pin điện thoại đầy đủ đề phòng trường hợp mất điện. Điện thoại liên hồi tiếng chuông cảnh báo sơ tán. Vì chưa từng trải qua những chuyện như thế này nên thấy nó thật kinh khủng, chỉ muốn trở về Việt Nam ngay lập tức. Nhưng thật may cơn bão đã đi qua và tôi không phải chịu ảnh hưởng gì. Qua cơn bão đó, tôi càng cảm nhận rõ hơn về sự chuẩn bị kỹ càng của người dân Nhật trước những thiên tai.
Sau hơn 4 tháng trải nghiệm cuộc sống và môi trường làm việc ở Nhật tôi đã học hỏi được rất nhiều điều. Tôi sẽ cố gắng phát huy tốt những kinh nghiệm đã tích lũy được để làm tốt công việc ở JPQ. Hi vọng rằng sớm có cơ hội được trở lại Nhật Bản để có thể trải nghiệm được nhiều hơn nữa.
Comments