*
Xin chào các bạn!
Tôi là Hải Yến, hiện đang làm việc tại JPQ.
Trước đây, có một kouhai (từ tiếng Nhật chỉ một người đàn em, người vào sau trong công ty) đã nói với tôi rằng “Thật khó để phân biệt cấp độ kiểm thử và loại kiểm thử”. Vào thời điểm đó chính bản thân tôi cũng không hiểu rõ sự khác nhau giữa chúng. Lần này, sau khi tìm hiểu kĩ, tôi muốn viết blog nói về cấp độ kiểm thử và loại kiểm thử. Chúng ta cùng lý giải sự khác biệt giữa cấp độ kiểm thử và loại kiểm thử nhé.
ⅠCấp độ kiểm thử (Test level)
1. Cấp độ kiểm thử là gì?
Trong mô hình phát triển chữ V, cứ mỗi giai đoạn phát triển sẽ có giai đoạn kiểm thử tương ứng. Những giai đoạn kiểm thử này được gọi là cấp độ kiểm thử. Cấp độ kiểm thử là một nhóm các hoạt động được tổ chức và quản lý một cách có hệ thống.
Có 4 cấp độ kiểm thử như sau:
Kiểm thử thành phần (Component testing)
Kiểm thử tích hợp (Integration testing)
Kiểm thử hệ thống (System testing)
Kiểm thử chấp nhận (Acceptance testing)
2. Kiểm thử thành phần
Kiểm thử thành phần là kiểm thử được thực hiện trên từng thành phần riêng lẻ một cách riêng biệt mà không tích hợp với các thành phần khác.
Mục đích của kiểm thử thành phần:
Giảm rủi ro liên quan đến chất lượng sản phẩm.
Xác minh xem hoạt động của các yêu cầu chức năng, phi chức năng của các thành phần có đúng như mô tả trong thiết kế hay không.
Xây dựng sự tự tin vào chất lượng của từng thành phần sản phẩm.
Tìm lỗi trong các thành phần sản phẩm
Ngăn chặn lỗi xuất hiện trong các giai đoạn kiểm thử sau.
3. Kiểm thử tích hợp
Kiểm thử tích hợp là kiểm thử tập trung vào sự kết nối giữa các thành phần trong hệ thống hoặc các hệ thống với nhau.
Mục đích của kiểm thử tích hợp
Giảm rủi ro liên quan đến chất lượng sản phẩm.
Xác minh sự kết nối của các chức năng
Xây dựng sự tự tin vào chất lượng của các giao diện
Tìm lỗi trong giao diện
Ngăn chặn lỗi xuất hiện trong các giai đoạn kiểm thử sau.
4. Kiểm thử hệ thống
Kiểm thử hệ thống là kiểm tra tập trung vào hoạt động của toàn bộ hệ thống hoặc sản phẩm.
Mục đích của kiểm thử hệ thống:
Giảm rủi ro liên quan đến chất lượng sản phẩm.
Xác minh xem các hành vi chức năng và phi chức năng của hệ thống hoạt động có theo như yêu cầu đặc tả hay không.
Xác thực hệ thống đã hoàn thành và sẽ hoạt động đúng như mong đợi
Xây dựng sự tự tin vào chất lượng của hệ thống
Tìm lỗi trong hệ thống
Ngăn chặn lỗi xuất hiện trong các giai đoạn kiểm thử sau
5. Kiểm thử chấp nhận
Kiểm thử chấp nhận được định nghĩa là kiểm thử thực hiện bởi khách hàng để xác nhận hệ thống đã làm việc đúng như mong đợi và thỏa mãn yêu cầu của người dùng.
Mục đích của kiểm thử chấp nhận:
Xây dựng sự tự tin vào chất lượng tổng thể của hệ thống
Xác minh rằng hệ thống đã hoàn thành và hoạt động như mong đợi của người sử dụng
Kiểm tra xem các hoạt động chức năng và phi chức năng của hệ thống có đúng như thiết kế
II. Loại kiểm thử (Test type)
1. Loại kiểm thử là gì ?
Loại thử nghiệm là một tập hợp các hoạt động thử nghiệm để kiểm thử một thành phần hoặc hệ thống, chẳng hạn như kiểm thử chức năng, kiểm thử khả năng sử dụng, kiểm thử hồi quy và các thử nghiệm khác tập trung vào một mục đích kiểm thử cụ thể.
Theo tài liệu ISTQB-CTFL-Syllabus-V3.1(Chapter 2.3), có 4 loại kiểm thử như sau:
2. Kiểm thử chức năng
Kiểm thử chức năng là việc xác nhận tất cả các chức năng của hệ thống.
Mục tiêu của kiểm thử chức năng:
Xác minh xem hoạt động của các yêu cầu chức năng của hệ thống có hoạt động đúng như mô tả trong thiết kế hay không.
3. Kiểm thử phi chức năng
Mục đích của kiểm thử phi chức năng:
Cải thiện khả năng sử dụng, hiệu quả, khả năng bảo trì và tính di động của sản phẩm.
Giảm rủi ro và chi phí của các khía cạnh phi chức năng của sản phẩm
Tối ưu hóa cách sản phẩm được cài đặt, thiết lập, chạy, quản lý và giám sát
Nâng cao kiến thức về vận hành và công nghệ của sản phẩm đang sử dụng
4. Kiểm thử hộp trắng
Kiểm thử hộp trắng được định nghĩa là kiểm thử cấu trúc của một hệ thống hoặc một chức năng.
Mục đích của kiểm thử hộp trắng:
Kiểm tra xem hệ thống đã được xây dựng và hoạt động như thiết kế hay chưa.
5. Kiểm thử xác nhận-Kiểm thử hồi quy
Kiểm thử xác nhận - hồi quy là kiểm thử để xác nhận rằng các lỗi ban đầu đã được sửa chữa, và chức năng của hệ thống vẫn chính xác sau khi lỗi được sửa chữa hay các chức năng được thay đổi hoặc thêm mới.
Mục đích của kiểm thử xác nhận - hồi quy:
Đảm bảo rằng lỗi đã được sửa
Kiểm tra xem các thay đổi/sửa đổi có ảnh hưởng xấu đến các bộ phận đã được kiểm thử và gây ra các lỗi mới hay không
III. Điểm khác biệt giữa cấp độ kiểm thử và loại kiểm thử
Sau khi tìm hiểu chi tiết về cấp độ kiểm thử và loại kiểm thử thì chắc các bạn cũng phần nào thấy được sự khác nhau giữa chúng rồi nhỉ. Tôi sẽ tóm tắt lại theo sơ đồ dưới đây.
IV. Mỗi liên hệ giữa cấp độ kiểm thử và loại kiểm thử
Trong một cấp độ kiểm thử có thể bao gồm nhiều loại kiểm thử
Tất cả các loại kiểm thử đều có thể được thực hiện ở tất cả các cấp độ kiểm thử
Không nhất thiết phải áp dụng tất cả các loại kiểm thử ở mỗi cấp độ kiểm thử cho tất cả các phần mềm.
V. Lời kết
Nói tóm lại, cấp độ kiểm thử và loại kiểm thử là hai khái niệm khác biệt nhưng lại vừa liên quan đến nhau.
Sau khi đọc blog này, các bạn đã hiểu rõ sự khác biệt giữa cấp độ kiểm thử và loại kiểm thử chưa? Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, đừng ngần ngại hãy liên hệ với chúng tôi.
Cảm ơn bạn đã đón đọc!
Tài liệu tham khảo :
・ISTQB-CTFL-Syllabus-V3.1(Chapter 2.2, 2.3)
Comentários