top of page
  • RIKO

Những yếu tố giúp thành công trong việc phát triển offshore.




Những yếu tố giúp thành công trong việc phát triển offshore. Những đặc điểm về tính cách người Việt do chính người Việt đưa ra.


Xin chào mọi người,

Tôi là Riko Shirahama đến từ công ty Japan Quality


Khi nói đến phát triển offshore thì bạn liên tưởng ngay tới điều gì?

Tôi nghĩ rằng thực tế có nhiều khách hàng đang phát triển offshore, hoặc đang xem xét về việc phát triển offshore. Mặt khác, một số khách hàng có thể có cách nghĩ tiêu cực về offshore vì những thất bại trong quá trình phát triển offshore của họ.


Tại sao lại thất bại?


Tại sao lại thất bại trong việc phát triển offshore?


Ban đầu, tôi là người đóng vai trò trung gian chuyển giao công việc từ phía Nhật Bản qua Việt Nam. Tôi chưa bao giờ thực sự làm việc với người Việt, nhưng vì là một đất nước Thân Nhật (chỉ sự đánh giá cao và có sự yêu thích đối với các yếu tố văn hóa, con người... của Nhật Bản) và có nhiều kỹ sư có thể nói tiếng Nhật nên tôi nghĩ rằng tôi có thể làm tốt công việc đó mà không cần bận tâm gì nhiều. Sau đó, tôi đã thật sự tới Việt Nam và làm việc ở đây, tôi đã có thể hiểu được phong cách làm việc và cách suy nghĩ của người Việt, những điều mà tôi không thể thấy được khi còn ở Nhật Bản.

Tôi nghĩ rằng giữa hai nước sẽ có nét tương đồng về bản sắc dân tộc, nhưng tôi mong muốn những khách hàng đang cân nhắc về offshore hiểu rõ hơn về bản sắc của dân tộc đó để giảm bớt rủi ro thất bại, vì vậy lần này tôi đã phỏng vấn thực tế người Việt.


Tôi đã có một cuộc phỏng vấn nhỏ với những người bạn Việt Nam


■Bạn Gia Huy

Thường làm các dự án liên quan đến kiểm thử tự động.

Hơi nhút nhát, nhưng thực chất là một kỹ sư QA với trình độ tiếng Nhật N1


■Bạn Phượng

Là một thành viên của phòng hành chính, người cẩn thận xử lý những nghiệp vụ khác nhau.

Vẫn còn trẻ, và là một mood maker.




Bạn nghĩ có điều gì khác biệt giữa người Việt và người Nhật không?


Riko: Người ta thường nói rằng Việt Nam là đất nước thân Nhật có bản sắc dân tộc tương tự như Nhật Bản, bạn nghĩ là có điều gì khác biệt ở đây không?


Huy: Tôi nghĩ Việt Nam có nhiều điểm chung với Nhật Bản, nhưng có một số điểm mà tôi cảm thấy khác với người Nhật. Điều đầu tiên cần biết là người Việt Nam thường coi gia đình và bản thân là ưu tiên hàng đầu. Tôi nghĩ cũng có nhiều người Nhật như vậy. Nhưng ở Việt Nam, người ta gắn bó với gia đình hơn, và họ làm việc vì hạnh phúc gia đình là trên hết. Ở Nhật, nếu bạn thuộc công ty thì việc ưu tiên cho công việc của công ty là điều đương nhiên, nhưng ở Việt Nam, bạn có xu hướng ưu tiên cho gia đình hơn. Ví dụ, vào dịp Tết Nguyên đán, mọi người thường về quê sum vầy với gia đình, và nếu như có vấn đề gì đó xảy ra với bố mẹ hoặc con cái thì họ sẽ xin nghỉ để ưu tiên đối ứng việc gia đình. Người Việt sẽ không hy sinh thời gian dành cho bản thân và gia đình để dành cho công việc.

Đây là một nét văn hóa lâu đời nên đối với tôi cũng bình thường nhưng tôi nghĩ có lẽ nó khác với cách làm việc của người Nhật.

Ngoài ra, tôi nghĩ người Việt Nam rất hiếu học. Ngay từ khi còn nhỏ, người Việt đã được dạy rằng cách duy nhất để tạo ra một tương lai tươi sáng là tập trung vào việc học. Vì vậy, tôi nghĩ rằng có rất nhiều người đang cố gắng nâng cao giá trị của bản thân ngay cả khi họ đã trở thành người trưởng thành.


Phượng: Một điều nữa tôi nghĩ là ở Việt Nam, chuyển việc (nhảy việc) là điều đương nhiên. Ở Nhật Bản, tôi nghĩ về cơ bản có suy nghĩ làm việc lâu dài ở một công ty, nhưng ở Việt Nam không có khái niệm phải gắn bó lâu dài với một công ty. Ví dụ, nếu một người cảm thấy căng thẳng trong công việc, làm việc quá sức, hoặc cảm thấy lương thấp, thì người đó sẽ chỉ làm việc một thời gian ngắn để tìm kiếm môi trường khác tốt hơn. Bản thân người đó cũng sẽ nghĩ tới nghỉ việc nếu như cảm thấy công ty đó không phải là môi trường để mình có thể học hỏi. Không có thời gian cụ thể nhưng thường các trường hợp như vậy sẽ nhảy việc trong vòng 1 năm. Ngược lại, nếu người đó cảm thấy thấy môi trường công ty thích hợp, thì họ sẽ tiếp tục làm việc và gắn bó lâu dài với công ty.

Đặc biệt là trong ngành công nghệ thông tin (viết tắt: CNTT) của Việt Nam (nhất là các công ty phát triển phần mềm), có rất nhiều người hay nhảy việc. Tôi nghĩ do có rất nhiều người trẻ tuổi trong ngành này, và những bạn trẻ tuổi đôi mươi thì thường thích thử làm những điều mới, vì vậy thường tầm một năm họ lại thay đổi sang công việc mới.


Lựa chọn công ty


Riko: Có vô số công ty lớn nhỏ ở Nhật Bản và hầu hết mọi người đều tìm việc, ở Việt Nam thì có điều kiện nào được quan tâm khi tìm việc không?


Huy: Tôi thấy hầu hết sinh viên mới ra trường đều muốn có một môi trường để họ có thể phát triển để nâng cao kỹ năng của mình. Như tôi đã đề cập trước đó, có ít người cảm thấy họ sẽ gắn bó với một công ty lâu dài, vì vậy tôi nghĩ rằng trong quá trình tích lũy kỹ năng để đi đến một công ty tốt hơn thì họ sẽ chọn một công ty mà họ có thể nâng cao được năng lực bổ trợ cho công việc họ muốn hướng tới.


Phượng: Đúng vậy nhỉ. Tôi cũng phụ trách một số công việc tuyển dụng ở Phòng Nhân sự, tôi nghĩ rằng nhiều phụ nữ đang xem xét đến chương trình phúc lợi và môi trường làm việc của công ty. Ở Việt Nam phụ nữ thường kết hôn sớm hơn ở Nhật Bản. Nhiều người kết hôn và sinh con ngay sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc đi làm trở lại sau khi sinh con là điều đương nhiên. Nếu đi làm lại, thì họ sẽ làm việc vì gia đình họ và suy nghĩ tới sự ổn định hơn là vì sự trưởng thành của bản thân. Tôi nghĩ rằng người phụ nữ thường xem xét đến các công ty có thể linh hoạt khi họ có việc gì đó liên quan đến gia đình, và các công ty có các chương trình phúc lợi dồi dào.



Huy: Điều này cũng đúng đối với nam giới. Nếu đã có gia đình thì họ mong muốn sự ổn định nên sẽ ít khi chuyển việc. Tôi nghĩ rằng thông thường ở độ tuổi 30, số người sẽ gắn bó lâu dài với công ty có xu hướng tăng lên.

Ngoài ra, nhiều người mang tư tưởng sẽ khởi nghiệp trong tương lai. Vì Việt Nam từ xưa đã có rất nhiều doanh nghiệp gia đình, nên suy nghĩ thuộc về một nơi nào đó lâu dài thì rất mong manh. Khi mọi người tích lũy được một số tiền thì hầu hết họ muốn sử dụng nó để kinh doanh thứ mà họ muốn.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng trong tương lai số lượng các công ty do người Việt Nam thành lập trong ngành CNTT sẽ tăng lên.


Ngành Công nghệ thông tin (CNTT)


Riko: Ngành CNTT đang phát triển đáng kể ở Việt Nam, nhưng các bạn thấy hình ảnh người Việt Nam làm việc trong ngành CNTT như thế nào ạ?


Huy: Vì Việt Nam đang chú trọng đến ngành CNTT như một quốc sách nên số lượng người trẻ học CNTT ngày càng tăng và số lượng kỹ sư cũng lớn. Ngoài ra, mọi người sẽ có ấn tượng là mức lương ngành này cao hơn so với các ngành khác.

Thêm vào đó, nhiều công ty CNTT nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu và Hoa Kỳ cũng đang mở rộng vào Việt Nam.

Học CNTT giúp bạn có cơ hội làm việc cho một công ty ở nước ngoài và cũng có cơ hội học ngoại ngữ. Hơn thế nữa, tùy thuộc vào tình hình, bạn có thể có cơ hội ra nước ngoài, điều này giúp mở rộng khả năng phát triển của bạn. Tôi nghĩ rằng đó là một trong những lý do tại sao nó lại trở nên được ưa chuộng như vậy.


Phượng: Đúng vậy nhỉ. Bằng cách nào đó, tôi có ấn tượng rằng các công ty CNTT là một ngành nghề tuyệt vời và thú vị. (Cười) Có nhiều văn phòng đẹp, thời thượng và đó là một hình ảnh của một nghề rất “Hot” nhỉ. Từng là một ngành mà nam giới chiếm đa số, nhưng gần đây số lượng kỹ sư nữ ngày càng nhiều và nó đã trở thành một ngành được yêu thích ở Việt Nam. Trước mùa dịch Corona, ngành công nghiệp du lịch cũng rất được ưa chuộng, nhưng sau đó tôi nghĩ rằng các công ty CNTT là mới là ngành nghề được ưa thích nhất hiện nay vì trong mùa dịch Corona, ngành này chịu ít thiệt hại hơn.


Vậy cụ thể hơn, tính cách của người Việt thì như thế nào?


Riko: Hãy cho tôi biết về những tính cách của người Việt Nam để có thể giúp ích cho những ai đang có ý định mở rộng sang Việt Nam hoặc phát triển offshore trong tương lai!


Huy: Điều đáng mừng là người Việt Nam rất ham học hỏi. Tôi nghĩ rằng người Việt sẽ tìm tòi, học hỏi mọi thứ mà họ quan tâm và những gì họ cần để cải thiện kỹ năng của mình. Nhiều kỹ sư, ngay cả khi họ đã ra đi làm, họ vẫn đến các trung tâm sau giờ làm việc để học thêm các kỹ năng.


Phượng: Ngoài ra, người Việt cũng nói ra rõ ràng những gì họ nghĩ.

Tôi nghĩ rằng họ diễn đạt rõ ràng Có hoặc Không cho những việc họ có thể làm cũng như những việc họ không thể làm. Người Nhật thường hay sợ mất lòng và để ý đến người khác, nên sẽ không nói "Không" một cách trực tiếp. Thay vào đó, người Nhật sẽ sử dụng cách nói khác để thay cho sự từ chối và muốn người đối diện hiểu chúng.

Người Việt Nam thường nói thẳng nên tôi nghĩ người nghe sẽ dễ hiểu được họ nghĩ gì nếu như làm việc cùng nhau.


Huy: Ngược lại, cái dở của người Việt là không có kế hoạch. Tôi nghĩ là công việc thường được hoàn thành sát nút (kịp sát giờ). Và thường thì sẽ không có việc báo cáo・liên lạc・thảo luận.

Tôi học được điều này sau khi làm việc với người Nhật, khi làm việc trong một công ty, người Nhật sẽ tham khảo ý kiến ​​của nhau và tiến hành mọi việc, sau đó báo cáo một cách hợp lý. Bây giờ tôi đã hiểu được điều đó, nhưng mà không phải người Việt nào cũng biết tới nó. Tôi nghĩ rằng đa số người Việt Nam lần đầu tiên làm việc với người Nhật Bản thì thường làm việc mà không có báo cáo・liên lạc・tham vấn.


Phượng: Thêm nữa, tôi nghĩ rằng thời gian về cơ bản là ít được chú trọng hơn so với người Nhật.

Ở Nhật, việc đúng giờ từ những việc nhỏ nhất là điều đương nhiên, nhưng ở Việt Nam thì không quá coi trọng điều đó. JPQ là một công ty của Nhật Bản, vì vậy sẽ hoạt động rất đúng giờ, mọi người đều đến làm việc lúc 8 giờ sáng, nhưng các công ty khác có thể đến muộn một chút, và họ xem đó là điều đương nhiên, chứ không phải là một điều xấu.


Riko: Ra là vậy…

Phượng đã đi tu nghiệp tại công ty mẹ ở Nhật Bản được nửa năm, bạn có ấn tượng gì về thời điểm đó không?


Phượng: Tôi đã rất háo hức và mong chờ được đến Nhật Bản, và cũng đã rất lo lắng khi làm việc ở công ty mẹ. Tôi rất ngạc nhiên là người Nhật luôn im lặng trong khi làm việc. Trong lúc đó, đài radio vẫn phát liên tục trong văn phòng. Thật là ngạc nhiên khi họ có thể yên lặng và tập trung trong bầu không khí như vậy.


Riko: (Cười) Đúng vậy nhỉ. Ở công ty mẹ đài radio vẫn phát liên tục. Đúng là Việt Nam khác với Nhật Bản, người Việt thể vừa làm việc vừa trò chuyện, nghỉ ngơi ngay cả khi đang làm việc nhỉ. Tôi nghĩ điều đó phụ thuộc vào môi trường của công ty, nhưng việc nghỉ ngơi một chút cũng rất quan trọng.


Huy: Và người Việt có lòng tự tôn cao, nên họ sẽ ít khi thừa nhận lỗi lầm. Đặc biệt là trong ngành CNTT, tôi nghĩ rằng các lập trình viên rất tự hào về kỹ năng của họ. Đối với người Việt, do có lòng tự tôn cao, dễ tự ái, nên cần lưu ý tránh nhắc nhở người đó trước mặt đồng nghiệp hoặc cấp dưới, thay vào đó nên nhắc riêng thì họ sẽ dễ nhận sai hơn.



Riko: Tự tin lúc làm việc là tốt, nhưng cũng không nên để sự tự tin thái quá đó làm cản trở công việc hoặc ảnh hưởng tới người khác nhỉ.

Đó cũng là một trong những câu chuyện mà tôi thường được nghe khi nói chuyện với các khách hàng đến từ các công ty phát triển. Các kỹ sư phát triển tự tin vào những gì họ đã phát triển, vì vậy họ dường như đặc biệt ít khi coi trọng việc kiểm thử. Các kỹ sư người Việt cũng hay nói rằng họ không muốn thực hiện kiểm thử cho lắm. (Cười)


Huy: Đúng vậy. Tôi nghĩ rằng việc kiểm thử nhiều khi được thực hiện bởi các kỹ sư phát triển thay vì tester. Tuy nhiều kỹ sư có tay nghề cao nhưng họ lại không hiểu nhiều về chất lượng kiểm thử theo tiêu chuẩn Nhật Bản. JPQ rất tự tin trong việc kiểm thử nhỉ. (Cười)


Riko: Đương nhiên rồi. Là một công ty chuyên về kiểm thử, vì vậy chúng ta rất tự tin về điều đó.

Hôm nay nói chuyện với hai bạn, tôi học được rất nhiều điều. Tôi thấy được rằng đương nhiên là các nền văn hóa sẽ có các giá trị quan khác nhau, nên việc xây dựng một đội nhóm làm việc tốt đồng thời chấp nhận, hòa nhập lẫn nhau là rất quan trọng.


Phượng: Đúng vậy. Người Việt Nam thích một môi trường để họ có thể làm việc vui vẻ. Ở một công ty mà họ có thể làm việc thoải mái, thì họ sẽ làm công việc của họ tốt hơn. Với tư cách là một người trong bộ phận nhân sự, tôi luôn muốn góp phần tạo một môi trường làm việc tốt nhất để mọi người có thể làm việc một cách thoải mái.


Riko: Cảm ơn hai bạn vì đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn ngày hôm nay.




Kết lại


Ngay cả khi người Nhật cùng với người Việt làm chung một chỗ tại Việt Nam thì cũng có nhiều việc không hiểu ý nhau, nên khi ở xa và chỉ trao đổi qua chat, video call thì chuyện không thể hiểu ý nhau càng dễ xảy ra hơn. Các quốc gia khác nhau có nền văn hóa khác nhau cũng như hệ thống giáo dục khác nhau, vì vậy việc chúng có những giá trị quan khác nhau là điều đương nhiên.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nó sẽ có thể cải thiện nếu chúng tôi có thể giao tiếp đúng cách.


Đặc biệt, sau khi tới làm việc tại Việt Nam, tôi nhận thấy rằng có rất nhiều người Việt Nam tốt bụng và tử tế. Vì vậy nếu như công ty bạn đang cân nhắc mở rộng sang Việt Nam hoặc phát triển offshore thì tôi hy vọng các bạn sẽ sử dụng tài liệu này như là một tài liệu tham khảo để xây dựng được một đội nhóm tốt khi làm việc với người Việt Nam.


Công ty Japan Quality Co., Ltd của chúng tôi là một công ty chuyên về QA (kiểm thử phần mềm), nhưng chúng tôi cũng có thể giới thiệu cho bạn những công ty offshore khác chuyên về DEV (phát triển phần mềm). Chúng tôi có thể giới thiệu cho bạn các công ty offshore đáng tin cậy. Ngoài ra, chúng tôi có một số nhân viên người Nhật đang cư trú ở Việt Nam và 100% nhân lực biết tiếng Nhật. Họ có khả năng kiểm thử với chất lượng tương đương với các công ty kiểm thử của Nhật Bản.

Nếu bạn quan tâm, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi.






188 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page